Bạn đang có 1 tỷ đồng, đó là số tiền “maximum” bạn có thể xoay được nhưng bạn lại trót yêu chiếc xe đúng 1 tỷ đồng và mong muốn “cưới” nó bằng được. Tuy nhiên 1 tỷ đồng chỉ là giá xe ở showroom, để mang xe về đến gara nhà mình thì số tiền đó phải đội lên 1,2 – 1,3 tỷ đồng. Lúc đó bạn sẽ làm gì? từ bỏ chiếc xe yêu thích để tạo một chiếc khác thấp hơn hay vẫn mang ý định cưới chiếc xe kia. Khi những khó khăn này được bạn giải bày với các nhân viên tư vấn bán hàng, họ sẽ đẩy bạn đến với việc vay vốn ngân hàng mua xe cùng với những lời thuyết phục tuyệt vời về việc thủ tục nhanh, lãi suất thấp và nhận được xe ngay…Về gác tay lên trán, vì quá yêu chiếc xe kia và đang máu xe cùng với tự an ủi bản thân rằng mỗi sáng thức dậy thấy một đống nợ trên đầu sẽ có động lực làm việc hơn, sẽ siêng năng hơn… Đó sẽ là những lý do chính đáng để dẫn đến việc đặt bút ký hợp đồng mua xe và vay vốn ngân hàng… Nói thì đơn giản vậy nhưng con đường để đi ký hợp đồng mua xe và vay vốn khá là dài mà bạn phải “vượt qua” để mang chiếc xe yêu thích về nhà. Dưới đây là những kinh nghiệm tổng hợp từ việc vay vốn ngân hàng mua xe.
Những cái khó từ việc vay vốn ngân hàng mua xe
1. Các ngân hàng thường hứa với bạn là nếu đầy đủ thủ tục thì chỉ trong 1 ngày là xong. Nhưng việc này phụ thuộc rất nhiều vào bạn, có khi phải đến 1 tuần bạn mới hoàn thành các thủ tục và mang xe về nhà
2. Các ngân hàng thường quảng cáo lãi suất thấp 0.95 – 1.1 %. Nhưng lại đội các loại phí lên nên phải cẩn thận. Các loại phí này thường là phí mở tín dụng, phí quản lý tín dụng, phí công chứng, phí trả nợ trước hạn… Các loại phí này thường tính bằng %/năm, nhưng đóng ngay. Cuối cùng tính ra, lãi suất có thể từ 1.1% trở lên.
3. Việc vay vốn và làm thủ tục mua xe bạn phải thế chấp bằng một tài sản khác. Nhưng nếu thế chấp bằng chính xe mua thì các bạn phải mua bảo hiểm do chính ngân hàng đó chỉ định luôn. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị động trong việc lựa chọn gói bảo hiểm và hãng bảo hiểm theo ý bạn
4. Những khó khăn thường không phát sinh lúc ban đầu đâu. Nhưng đến đoạn bạn chuyển phần vốn tự có của mình rồi (thường 30%), thì sẽ có chút rắc rối. Lúc đó ngân hàng sẽ có bảng chấp thuận cho vay để gửi nơi bán xe. Tùy theo ngân hàng làm việc mà các loại phí sẽ được thông báo hay không. Đến khi bên bán xe mang xe đi đăng ký và gửi giấy hẹn qua ngân hàng, thì bạn sẽ được thông báo tất cả các khoản phí phải đóng. Đây sẽ là con số không nhỏ làm nản lòng các bác tài…
Những chú ý khi phải vay vốn ngân hàng mua xe.
1. Chọn các ngân hàng quảng cáo rầm rộ cho vay mua xe hơi. Càng rầm rộ, càng chứng tỏ họ có chiến lược với phân khúc này nên sẽ chú trọng hơn. Những ngân hàng không quảng cáo rầm rộ là họ không thiết tha lắm đâu.
2. Cố gắng tính toán chi li với nhân viên ngân hàng về lãi suất và những khoản tiền phát sinh khi vay vốn để dễ dàng kiểm soát sau này.
3. Cố gắng nắm lấy trình tự đặt cọc – làm hồ sơ vay – chấp thuận cho vay – giải ngân càng chi tiết càng tốt. Giải ngân là khâu cuối cùng. Đừng nghĩ có chấp thuận cho vay thì giải ngân là điều tất yếu vì có vô vàn lý do sẽ xảy ra trong giai đoạn này, đặc biệt khi phải thế chấp nhà.
Việc mua xe là để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện và an toàn cho bạn và gia đình. Chiếc xe hơi không chỉ là khối tài sản lớn, mà đôi khi nó lại là sở thích, đam mê của bạn. Hãy sở hữu xe trong tầm tiền kiểm soát được. Vay vốn ngân hàng để mua xe là không nên nhưng nếu bạn có thể chắc chắn được khả năng trả nợ cùng với việc ổn định cuộc sống và các chi phí phát sinh khi sở hữu xe hơi sau này thì việc vay vốn mua xe sẽ giúp bạn cưới được chiếc xe yêu thích nhanh chóng.